Câu chuyện này cũng ly kỳ như chuyện em bé gái đi lạc và sống trong rừng. Cứ tưởng tượng một chút, mình sẽ thấy nhiều chi tiết lý thú và thơ mộng
Cổ tích ở làng Tung Amô
20-07-2008 01:49:36 GMT +7
|
Vợ chồng ông Lê Như Khoa ở làng Tung Amô |
LTS: Con người có số phận kỳ lạ dưới đây là ông Lê Như Khoa ở làng Tung Amô, xã Ia Dreng, huyện Chư Sê - Gia Lai. Chỉ vì chút mặc cảm, ông đã tự biến mình thành “liệt sĩ” hơn 30 năm và sống âm thầm trong một ngôi làng heo hút...
Tôi nhập ngũ cuối năm 1965. Đơn vị của tôi lúc ấy là Đại đội 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 30, tỉnh Hà Nam. Sau thời gian huấn luyện, cuối năm 1966, chúng tôi được lệnh đi B. Mùa khô năm 1967, đơn vị tôi mới đến Trạm Lập của khu I (huyện Kbang- Gia Lai ngày nay). Từ hồi vào bộ đội, tôi chỉ làm mỗi nhiệm vụ cấp dưỡng... Cho đến cuối năm 1971, tôi được điều về Tỉnh đội Gia Lai. Cứ nghĩ lần này chắc thoát, ai ngờ lại vẫn nhiệm vụ đáng chán là làm cấp dưỡng. Và cái lối rẽ oái oăm của đời tôi cũng bắt đầu từ đây...
Gặp người con gái Jrai
Trong tổ nuôi quân của tôi lúc ấy có ba, bốn nữ gì đó, nhưng chỉ Rơma H’choah, người Jrai, là trẻ nhất. H’choah lúc ấy mới 20, kém tôi những 15 tuổi. Chiến trường bấy giờ gian khổ lắm. Để bồi dưỡng cho thương binh, ngày ngày tôi và H’choah phải vào rừng kiếm rau và vào các làng mua thực phẩm. Sự gần gũi trong công việc đã khiến tình yêu đến lúc nào không hay. Cũng xin nói thêm là trước khi đi bộ đội, tôi đã có vợ và hai con, song vì không hợp nhau nên chúng tôi đã ly hôn. Tất nhiên, bấy giờ về tình trạng hôn nhân, tôi là người tự do. Chúng tôi báo cáo tổ chức. Một bữa liên hoan đơn giản chứng kiến chúng tôi nên vợ nên chồng.
Khi H’choah mang thai được hơn tháng thì một biến cố xảy ra: giặc càn vào cứ. Một quả bom nổ gần khiến tai tôi gần như điếc đặc, hai mắt mờ đi vì khói đạn hóa học. Thấy sức khỏe tôi yếu hẳn, đơn vị cho ra miền Bắc an dưỡng. Còn H’choah, trước việc chẳng đừng, đơn vị cũng phải để cô về nhà nghỉ sinh.
Chúng tôi chia tay bịn rịn. H’choah khóc như mưa như gió. H’choah chỉ nói được một câu duy nhất: “Nhanh vào với em! Đừng bỏ em!”. Rồi như sợ mình khuỵu xuống, H’choah đi như chạy vào cánh rừng thưa trước mặt. Nhìn cái dáng nhỏ nhắn của H’choah đang khuất dần, ruột gan tôi như nẫu ra. Cô ấy về làng rồi sẽ sống ra sao, ai giúp đỡ cô ấy trong lúc vượt cạn? Chiến tranh còn ác liệt, bom đạn bời bời thế này, điều gì sẽ xảy ra? Nhỡ mình hy sinh thì giọt máu của mình ai biết? Không cưỡng nổi tình cảm đang cuồn cuộn trong người, tôi đuổi theo H’choah, cuống quýt gọi: “H’choah, H’choah – đợi anh với!”.
Trở thành người Jrai
Nằm trong vùng giải phóng, làng Tung Amô bị bom đạn địch cày xới xác xơ. Hai vợ chồng phải xin ở nhờ nhà một người bà con rồi bắt tay vào làm rẫy ngay để có cái ăn. Để tránh bên ngoài nhòm ngó, tôi đổi họ thành Rơ Châm và học nói tiếng Jrai. Sự ăn mặc của tôi cũng dần dần thay đổi. Lúc đầu còn quần dài, sau thấy vướng tôi chỉ mặc quần đùi. Và khi quần đùi rách hết thì chuyển sang đóng khố. Chừng ba năm sau ngày theo H’choah về làng, không ai nhận ra tôi là người Kinh nữa: mặc khố, đeo gùi, hút thuốc bằng tẩu..., và trong hội làng tôi cũng ăn bốc, ngồi lê la trên đất như ai. Tôi đã tự đồng hóa mình bởi không muốn bị cô lập trong làng. Đặc biệt là khi tôi nói thạo tiếng Jrai thì H’choah không nói chuyện với tôi bằng tiếng Kinh nữa. Tiếng mẹ đẻ rơi rụng dần thì ký ức cũng phai nhạt trong tôi. Quê hương, họ hàng chỉ còn là một cái bóng xa mờ. Thật ra, nhiều đêm một mình trong chòi rẫy giữa rừng, những chút gì mờ nhạt về quê hương, quá khứ vẫn quặn lên trong tôi. Đã có lúc tôi nghĩ, hay là cứ liều về quê một chuyến xem họ hàng, con cái thế nào? Thế nhưng cái ý nghĩ khác đó vừa hiện lên thì ngay lập tức đã có một ý nghĩ khác chắn ngang: Về quê thế nào người ta cũng hỏi bấy lâu nay anh đi đâu? Vậy là tôi đành thôi.
Có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên: Hình như vào khoảng năm 1985 thì phải - ở gần Tung Amô có một kẻ giết người từ TPHCM trốn lên đây giả dân làm ăn. Trong đoàn công an đi bắt kẻ giết người hôm đó có một anh còn trẻ cứ nhìn tôi chằm chằm, sau đó anh ta hỏi: “Chú có phải là Lê Như Khoa không? Nhìn chú rất giống người trong ảnh cháu thấy ở làng”. “Có người nhận ra mình” – một nỗi sợ hãi làm tôi cuống quýt. Tôi lắc đầu nói bằng tiếng Jrai: “Chắc anh nhầm. Tôi cũng là Khoa nhưng mà Rơ Châm Khoa, người Jrai”. Anh ta lắc đầu thất vọng rồi bỏ đi. Sau sự việc đó tôi càng co mình lại, cố đi ra khỏi làng thật ít.
Cho mãi đến năm 2001, xã Ia Dreng mới thành lập. Nhà nước đầu tư cho trường học, điện, đường. Bấy giờ làng Tung Amô mới mở cửa ra với cuộc sống bên ngoài. Gia đình tôi cũng bắt đầu thay đổi. Những đứa nhỏ được đi học (tôi có 7 đứa con, mấy đứa lớn đều thất học), cuộc sống đã đỡ tù túng nặng nề. Tuy nhiên, sự mặc cảm cố hữu vẫn chưa hề vơi bớt trong tôi. Và có lẽ tôi sẽ như một con người đã chết nếu không gặp Hùng Tĩnh - một ân nhân của tôi.
Cuộc trùng phùng kỳ lạ
Số là khi xã được thành lập, huyện đã cử một đoàn cán bộ địa chính về đo đạc, quy hoạch các công trình. Hôm đo đạc ở làng Tung Amô, Hùng Tĩnh ngẫu nhiên vào nhà tôi xin nước uống. Thấy tôi, anh ta cứ nhìn ngó đầy vẻ nghi hoặc rồi xoắn vào hỏi chuyện. Đấy là người Kinh thứ hai mà tôi được tiếp xúc trong gần ba mươi năm trời! Trước sự nhiệt tình của anh ta, tôi cũng bắt chuyện lại, nhưng phải rất chậm mới nhớ ra được vốn từ. Hóa ra là Hùng Tĩnh cùng huyện Thanh Liêm, kế bên xã tôi. Phải mất rất nhiều thời gian Hùng Tĩnh mới làm cho tôi nhớ lại được tên người thân, bạn bè... Bây giờ thì sự mặc cảm trong tôi cũng dần vơi bớt... Tôi cởi mở kể cho Hùng Tĩnh nghe tất cả. Sau cùng, tôi ngập ngừng hỏi Hùng Tĩnh về hai con tôi gửi bên nội nuôi, không biết còn sống hay bị bom đạn chết rồi. “Nếu có tin tức gì thì nhờ anh báo giùm...” - tôi gửi gắm.
Hùng Tĩnh quả là người nhiệt tình hiếm có. Hôm sau về huyện, anh ấy tìm cách gọi điện về quê tôi. Biết hai con tôi còn sống, gia đình bình yên, Hùng Tĩnh trở vào Tung Amô báo tin và bảo tôi viết thư về. Tôi cầm cây bút mà hai tay run bắn. Những con chữ khó nhọc bò ngoằn ngoèo. Hơn ba chục năm nay, lần đầu tiên tôi mới cầm cây bút và đặt tay lên tờ giấy!
Đầu năm 2002, qua điện thoại, hai con tôi đã tìm được nhà Hùng Tĩnh. Từ ngày biết tin con, tôi đã tưởng tượng đến giây phút này. Tôi sẽ nhào vào ôm lấy chúng, và tiếng khóc sẽ vỡ ra uất nghẹn. Thế nhưng, khi đã gặp nhau, một tấm chắn vô hình làm tôi sững lại. Có lẽ nào hai con người luống tuổi, tóc đã chớm bạc kia lại là con tôi được? Ngày tôi đi B, thằng Long mới 8 tuổi, con Mai 7 tuổi. Còn hai đứa, chúng cũng nhìn tôi nghi hoặc. Lẽ nào cha chúng lại là một ông già đen đúa, lụ khụ đi bên cạnh một bà già mặc váy lộc ngộc. Những lời hỏi han ban đầu cứ như là những người xa lạ bị ép đến gặp nhau. Rất tinh ý, Hùng Tĩnh gợi cho hai đứa con tôi kể chuyện về quê hương, bà con họ hàng. Từng lời chúng kể như những tia chớp lóe sáng trong trí nhớ u u minh minh của tôi. Một sức hút vô hình khiến chúng tôi nhào tới ôm chầm lấy nhau. Những tiếng khóc vỡ ra nghẹn ngào...
Thanh thản
Hàng bao năm nay, cái thôn Đạt Hưng tĩnh lặng của tôi mới xảy ra một chuyện lạ đời như vậy. Ba, bốn ngày liền, nhà thằng Long, con tôi, cứ chật ních người. Cán bộ xã cũng đến làm lễ hạ bằng “Tổ quốc ghi công” của tôi. Vậy là tôi đã chẵn ba chục cái giỗ! Đó là tính từ ngày chính thức nhận danh hiệu liệt sĩ chứ thực sự thì gia đình đã giỗ tôi từ ngày đi B rồi. Từ năm 1965 cho đến 1975, gia đình có tin tức gì về tôi đâu! Bởi thế, sau ngày miền Nam giải phóng chỉ một thời gian ngắn, xã đã đề nghị trên công nhận liệt sĩ và xây nhà tình nghĩa cho các con tôi... “Thế sao giải phóng rồi không về quê, chí ít thì cũng có vài dòng báo tin chứ?”. Ai cũng xoắn vào hỏi tôi câu ấy. Tôi phải kể đi kể lại cái làng Tung Amô ngày ấy thế nào, tôi sống trong cái làng ấy ra sao... Bà con có người cảm động chảy nước mắt.
Tôi định ở lại quê chí ít là một tháng để chuyện trò với anh em, họ hàng cho đã, nhưng mới được hơn mười ngày đã thấy trong bụng như kiến cắn. Ăn uống, tiện nghi sinh hoạt chẳng thiếu thứ gì. Quê tôi bây giờ sướng quá! Thế nhưng với tôi, căn nhà sàn, mùi mồ hôi của bà H’choah và những đứa con thô tháp như giọt mật ong rừng mới thực sự là cuộc sống... Thế là dù họ hàng, con cháu xoắn xuýt, tôi vẫn một mực xin vào lại Tung Amô.
Và bây giờ thì tôi đã có quyền sống thanh thản với những ngày còn lại của cuộc đời.
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/phong-su/232662.asp