Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2009

Khách sạn CHẾT....Thật sự có một chỗ như vầy hay sao?

Bài này mới đọc đã SỐC. Thật sự có một chỗ như vầy hay sao? Cũng rất cảm động khi thấy tình thương yêu đùm bọc của mọi người, từ vị bác sĩ từ tâm cho tới bà con chòm xóm...

Thứ Bảy, 28/11/2009, 14:55 (GMT+7)
“Khách sạn chết”

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=350145&ChannelID=119

TTCT - Ở ngoại ô Sài Gòn có một cánh đồng hoang biệt lập với thế giới bên ngoài thuộc ấp 4, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi. Hàng trăm người “sống nay chết mai” bị gia đình ruồng bỏ, xã hội kỳ thị đã dìu dắt nhau về đây cư ngụ cho qua ngày tháng cuối đời. Người ta gọi đó là “khách sạn chết”.

Những người bệnh - Ảnh: Sơn Bình

Chiều buông dần, lối mòn vào “khách sạn” cứ trơn trượt, uốn quanh với hai bên đầy cỏ lau, ao cá. Những chòi lá dần xuất hiện, diện tích bên trong đủ để 20-30 người trú ngụ ấm cúng bằng những chiếc giường nhỏ và ghế bố đặt san sát nhau. Từ xa đã vẳng ra tiếng cười nói rôm rả, tiếng gọi giờ nấu ăn...

Mở rộng cửa

Nhiều năm qua, người dân và chính quyền địa phương không còn xa lạ với những chòi lá ở cánh đồng hoang này. Bởi nơi đó đã cưu mang rất nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt và mạng sống chỉ đếm từng ngày. Phần lớn họ là những người bị HIV/AIDS giai đoạn cuối, ung thư, tai biến...

Những hoạt động âm thầm của một nhóm người tốt bụng là rất đáng quý vì nó góp phần xoa dịu sự kỳ thị của một số người trong xã hội. Đáng tiếc là nơi đây thuộc diện quy hoạch nên những chòi lá này sẽ bị giải tỏa trong nay mai. Nếu có chuyển dời đi nơi khác thì chắc chắn chính quyền sở tại sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những người có tấm lòng cao cả...

Anh VÕ VĂN THÔNG
(công an khu vực thuộc ấp 4, xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi)

Thấy khách lạ, mọi người bỗng im bặt. Một người đàn ông tên Ẩn lên tiếng: “Chúng tôi bị nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối, ghẻ lở u nhọt... Gia đình sợ hãi xua đuổi nên không muốn gặp ai, trừ những người đồng cảnh ngộ”.

Nói đoạn, ông cụ vuốt ngực ho sù sụ, giọng ồ ề: “Ngủ dậy thấy tim còn đập là mừng lắm. Có lúc đang tâm sự vui vẻ thì có người co giật, trăng trối đôi câu rồi nhắm mắt xuôi tay. Có ngày chết 2-3 người. Nếu không có gì, xin mời anh lui bước để chúng tôi yên tĩnh”.

Ông Ẩn vốn là một “đại ca” ở quận 4, vì lối sống giang hồ bạt mạng nên mắc căn bệnh thế kỷ, đến đây sống cuối đời. Thấy khách vui vẻ, ông cụ châm trà mời, lần lượt những người khác xúm lại bắt tay. Những người còn bộ xương khô thì nằm im, mắt mơ màng, cố rướn người, quơ tay tỏ vẻ thèm được nói chuyện.

Chị Thảo chỉ tay về phía họ nói: “Ở trong cùng là chú Kiểm, 68 tuổi, già neo đơn, bị liệt hạ chi, con cái ruồng bỏ, nằm đó cho anh em đút cháo sống qua ngày. Cạnh bên là chị N., gái bán hoa, hôm trước trốn về thắp nhang giỗ má, bị người thân đánh bầm dập, đuổi khỏi nhà. Kế bên là anh Tr. bị ung thư ruột chắc nay mai sẽ ra đi trước...”.

Đang trò chuyện thì có tiếng vọng vào từ phía chiếc cầu cụt bắc qua con mương: “Anh em ơi tiếp với!”. Mọi người nhổm dậy chạy ra, ông Ẩn giải thích: “Đó là chủ “khách sạn ngàn sao” này, ông không vợ con, suốt ngày tìm và cưu mang những người “ghê tởm” như chúng tôi về chăm sóc. Nhiều người biết tiếng nơi này nên tự lọ mọ đến đây khi bị tắc đường sống”. Nhìn mọi người nâng đỡ một anh chàng hốc hác bước vào, ông Ẩn cười: “Có bạn mới rồi. Ngày cũng như đêm, hễ ai cần cưu mang là ông chủ sẵn sàng mở cửa đón nhận”.

Những chiếc giường ấm cúng trong “khách sạn chết” - Ảnh: Sơn Bình

Tình muộn

“Bạn mới” trạc 40 tuổi, tên Thái, nhà ở quận 6, trông bề ngoài gầy còm và tiều tụy thì ai cũng hiểu. Bất hạnh hơn, đôi mắt anh Thái gần như mù lòa. Ông chủ bảo: “Đây là người đặc biệt, đáng thương, chúng ta phải quan tâm đến anh ấy nhiều hơn”. Anh Thái cười méo mó: “Nghe mọi người bảo đồng hoang này là nơi trú ngụ của những người bất hạnh được chăm lo miễn phí. Nên tôi vừa xin ăn, vừa ngủ bụi ba ngày đường mới đến ngã ba Bình Mỹ và được mọi người dìu dắt về đây”.

Nghe chuyện, ai cũng vồn vã: “Yên tâm đi”, rồi ông Ẩn đỡ anh đi tắm, ông Hóa soạn lại cái quần vải và chiếc áo sơmi cũ còn tốt nhất của ông cho anh Thái mặc. Chị Thảo dọn dẹp lại chiếc giường đã đóng bụi, rồi đăm chiêu rơi lệ: “Anh em đến rồi đi, tôi may mắn sống đến hôm nay đã hơn hai năm. Đây là chiếc giường của bé Tr., quê ở miền Tây, bị cha ghẻ gạt gẫm bán trinh, rồi chán đời, ôm phận gái bán hoa ở cầu Thị Nghè, mới “nửa đời hương phấn” đã tìm đến đây yên nghỉ. Trước lúc vĩnh viễn ra đi, nó không hề có người thân tiễn biệt, chỉ biết khóc thầm trong vòng tay của tụi này...”.

“Mày bớt nói mấy chuyện thê thảm đi. Hôm nay tao trổ tài nấu món thịt heo quay xào ớt và canh bí tôm khô để mừng bạn mới” - giọng một người phụ nữ từ nhà bếp vẳng lên được mọi người vỗ tay hoan nghênh. Thế là người nào còn khỏe thì lăn vô bếp, người nào không dậy nổi hướng mắt về chiếc tivi xem trận bóng đá của đội tuyển Việt Nam... Không khí ấm cúng, chan hòa, thật khó hình dung được họ là những người sắp chết.

Năm 2003, ông chủ “khách sạn chết” (không muốn nêu tên và nói về mình) gặp một bác sĩ ở quận Gò Vấp. Bác sĩ này mong muốn tìm một nơi nương náu cuối đời cho những người nhiễm HIV/AIDS bị xã hội kỳ thị.

Sau vài lần trò chuyện, người bác sĩ ấy mua một miếng đất hoang ở Bình Mỹ cho ông chủ này tìm kiếm và trông nom những cuộc đời bất hạnh. Ban đầu, ông dựng một chòi lá rộng khoảng 20m2, dần dà đông người ở, ông phá chòi dựng lại lớn hơn. Tất cả tiền bạc nấu nướng, thuốc men... vị bác sĩ nọ lo hết. Sau này một số người hảo tâm cũng tìm đến hỗ trợ.

Ngần ấy thời gian, nơi đây đã tiếp nhận săn sóc miễn phí cho hơn 300 lượt người mắc phải HIV/AIDS, ung thư, tai biến... không ai cưu mang. Trong đó có hơn 100 người thật sự mỉm cười trước khi nhắm mắt.

Đang phấn chấn, ông Ẩn và chủ nhà nhổm người đỡ một thanh niên dậy lau chùi các vết lở loét sâu hoắm. Đó là anh Kh., khi đi bốc vác vô tình giẫm phải kim tiêm nên bị nhiễm HIV và hiện mạng sống đang đếm từng ngày. Tháng trước đến đây, hành lý anh mang theo là hũ cốt của người mẹ qua đời vì ung thư phổi. Anh gượng cười than vãn: “Hai mẹ con tôi quanh năm ăn bụi ngủ đường, mẹ bán vé số, tôi đi bốc vác. Tính dành dụm ít tiền rồi về quê, ai ngờ cuộc đời thê thảm quá...”.

Ông Ẩn vuốt nhẹ mái tóc khô của anh Kh., thở dài: “Lúc đầu ai đến đây cũng được ông chủ chăm sóc. Người nào cảm thấy còn khỏe thì nhào vô phụ ông một tay. Chúng tôi yêu thương nhau để tìm lại chút tình cảm của con người, dẫu có muộn màng nhưng dù sao cũng là niềm an ủi cuối cùng”.

Trước đây, “khách sạn ngàn sao” này chỉ cưu mang những kẻ giang hồ, gái bán hoa... có AIDS giai đoạn cuối, bị gia đình chối bỏ và nhiều người trong xã hội xa lánh. Hiện tại, nơi này cưu mang cả những người khổ khó. Đó là trường hợp của bà Hai Huế bị con cái ruồng bỏ, anh Dũng “tâm thần” bị cha mẹ nhẫn tâm vứt ra lề đường.

Hay trường hợp của vợ chồng chị Đền, chồng chị bị lao phổi, chị lại mang bầu nên được mọi người đem về cưu mang, lo sinh nở. Mọi người xem nhau như người thân, san sẻ từng ly nước, bát cháo...

Đêm chết...

Đồng hoang đêm buốt giá, chỉ có tiếng ếch nhái tấu nhạc bi ai. Cơm nấu đã xong, mọi người cùng nhau múc cơm ăn ngon lành. Ăn xong, người ca hát nghêu ngao, người lên giường ngủ, một nhóm 2-3 người rủ nhau ra ghế đá uống trà tâm sự... Bỗng có tiếng mớ thật to ở giường của chú Kiểm: “Mẹ ơi, con có lỗi, xin mẹ tha thứ cho con. Anh em ơi đừng bỏ tôi...”. Ông Ẩn và ông Hào liền vắt khăn nóng đắp lên trán của ông già neo đơn, xoa xoa cánh tay cho ông ngon giấc. Rồi hai người thẫn thờ ra ngoài chỉ lên bầu trời đầy sao, lẩm bẩm: “Đúng là “khách sạn ngàn sao”, tôi và anh có nhắm mắt ở đây cũng thanh thản”.

Thấy tôi chưa hết ngỡ ngàng vì những gì đã chứng kiến trong một ngày ở đây, ông Hào kể: “Vài chục anh em đang ở chung, đôi khi sáng ra thấy mất một, hai người. Nhiều anh em trước khi chết thân thể rất hôi tanh do ghẻ lở. Chúng tôi tắm rửa cho họ thật cẩn thận, thay quần áo đàng hoàng rồi đặt lên chiếc ghế bố nằm đó. Mọi người xúm xít lại, vừa khóc vừa khấn vái. Sau đó mang ra “nhà nguyện” của “khách sạn”, chờ đến 1-2 giờ đêm, khi bà con lối xóm ngoài đường vắng bóng sẽ âm thầm mang họ ra xe đưa đến trại hòm Tiến Đệ trên đường Quang Trung (Gò Vấp), một nơi luôn mở lòng từ thiện với những cái chết ở đây. Tại đó, mọi người an táng người chết, đưa quan tài về huyện Dĩ An để hỏa táng rồi mang hài cốt trở lại khách sạn ngàn sao”.

Ông chủ “khách sạn” đang giăng màn cho anh em nghe vậy nói thêm: “Nếu có người chết từ lúc sáng cũng phải để họ nằm đây đến khuya mới mang đi an táng. Mình không dám làm phiền dân cư. Người ta vốn đã sợ HIV/AIDS, thế mà cứ vài ngày lại mang người chết ra vào, xóm làng sao không khỏi hoang mang! Chiếc xe tang chỉ có ba bốn anh em tiễn đưa trong đêm vắng lạnh người”.

Nín lặng vài giây, ông nhắn nhủ: “Với anh em, tôi mong mọi người hãy thương yêu nhau trong những ngày tháng cuối đời. Với gia đình và xã hội, tôi tha thiết mọi người đừng kỳ thị để những người nhiễm HIV/AIDS được ra đi trong sự thanh thản”.

SƠN BÌNH

1 nhận xét:

  1. Chào Chú, QH đọc bài này cảm động tấm lòng thương ngươì của vị bác sĩ và mấy người lo cho người bệnh tại nơi này. Đúng là một gương lành!

    Trả lờiXóa