'Người rừng' lại trốn về rừng
Rơ Châm H'Pnhiêng - cô gái bị lạc trong rừng 18 năm - sau 10 tháng sống chung với gia đình đã đột ngột bỏ trốn. Theo ông Ksor Lu, con gái ông đã trở lại rừng.
> 'Người rừng' thích vẽ / Cuộc sống mới của cô gái 'người rừng' / Sau 18 năm mất tích, một cô gái trở thành 'người Rừng'
Rơ Châm H'Pnhiêng được mẹ chăm sóc. Giờ cô đã lại "về rừng". Ảnh: Tuổi Trẻ |
Những người dân trong làng cho biết, họ đã tìm kiếm Rơ Châm HP'nhiêng (gốc Gia Lai, hiện ở huyện Ô Ya Đao, Campuchia) ròng rã ba ngày đêm, kể cả đốt đuốc vào rừng nhưng vẫn chưa tìm thấy.
Trước đó, Rơ Châm H'Pnhiêng có biểu hiện "nhớ rừng", thường đứng ngóng về phía rừng xanh mỗi khi chiều xuống. Buổi tối trước khi trốn đi, cô gái có những cử chỉ âu yếm khác thường với mẹ, "nói" với mẹ nhiều hơn mặc dù ngôn ngữ của cô cho đến giờ chưa ai giải mã được.
Ông Ksor Lu cho biết, sau 10 tháng sống với gia đình, Rơ Châm H'Pnhiêng đã có những tiến bộ "người" hơn. Cô có thể ăn bằng chén đũa, tự tắm rửa và thay quần áo… Tuy nhiên, cô vẫn còn khó khăn với việc nghe hiểu và nói bởi cô sử dụng một ngôn ngữ khác. Thông tin về cô chỉ được gia đình đoán qua những bức vẽ: một bé gái lạc trong rừng, hoảng sợ trước thú dữ, ngủ trong hang… Trong các bức vẽ của cô không có chân dung người đàn ông nào.
"Người rừng" Rơ Châm H'Pnhiêng là bé gái người Campuchia gốc Việt ở vùng rừng núi thuộc huyện Ô Ya Dao, Ratanakiri (giáp giới tỉnh Gia Lai) bị lạc vào rừng năm 1989, khi em mới 8 tuổi. 18 năm sau, một toán thợ gỗ tình cờ "bắt" được một cô gái trần truồng và hoang dại ở trong rừng, đem về làng. Ông Ksor Lu nhận ra đó là đứa con gái lạc mất 18 năm của mình, tên là Rơ Châm H'Pnhiêng.
Sự kiện "người rừng Rơ Châm H'Pnhiêng đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Nhiều tổ chức quốc tế đã tìm đến giúp đỡ và trị liệu cho cô gái. Theo gia đình Rơ Châm H'Pnhiêng, cô đã phục hồi và hội nhập với cộng đồng khá nhanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay cô vẫn chưa nói được nên những gì của 18 năm lưu lạc vẫn còn là bí ẩn.
'Người rừng' thích vẽ
Sau hơn hai tháng kể từ khi trở về, cô gái Rơ Châm H’Pnhiêng (gốc Gia Lai, hiện ở huyện Ô Ya Đao, Campuchia) bị lạc trong rừng 18 năm đã tự nhiên hơn trong giao tiếp với mọi người, hay nói, hay cười và đặc biệt rất thích vẽ.
Cô vẽ chủ yếu là hình con gái, trong đó có hình cô gái với rừng cây bao phủ xung quanh, đặc biệt hình một cô gái đang đối mặt với con rắn rất to và một con sói... Chị Rơ Châm H’Thía, mẹ của H’Pnhiêng, cho biết hằng ngày không còn phải tập cho con gái bắt chước nói, bắt chước tắm gội nữa, vì "người rừng" đã tự làm tất cả mọi việc sinh hoạt cá nhân.
Tuy nhiên hiện cô vẫn còn nhớ rừng, chiều chiều đứng bên hiên nhà sàn mơ màng nhìn vào rừng xanh.
Cuộc sống mới của cô gái 'người rừng'
Hơn 10 ngày sum họp với gia đình, Rơ Chăm H'Pnhiêng, cô gái đã mất tích 18 năm trong rừng sâu, vẫn rất nhớ rừng. Suốt ngày lặng lẽ ngồi một mình, không biết cười, chỉ ú ớ không rõ nghĩa, đôi mắt cô cứ dõi về phía đại ngàn như chực lao đi.
Trở về với gia đình (làng Xom, thị trấn Ô-da-đao tỉnh Ra-ta-na-ki-ri, Campuchia), sống trong tình yêu thương của cha mẹ, anh em, H’Pnhiêng đã tự nhiên hơn với người thân. Cô bắt đầu bập bẹ, ú ớ cố muốn nói gì đó, nhưng không rõ nghĩa. Mọi người đến thăm, cô đã bớt hoảng loạn, nhưng cũng không thân thiện.
“Ba đêm rồi nó đã ngủ được, bớt giật mình la hét lúc nửa đêm. Nó ăn được cơm nhưng ít lắm, chắc chưa quen miệng. Nó chỉ thích trái cây và đồ sống thôi, nó ở rừng lâu quá rồi mà”, bà Rơ Chăm H’Thía, mẹ H'Pnhiêng, ngậm ngùi trong nỗi vui mừng.
Thấy khách đến gần, H'Pnhiêng chợt giật lùi ra xa, ngơ ngác nhìn mọi người rồi ú ớ, nhấp nhổm định bỏ ra chỗ khác. Bà H’Thía ôm con, vuốt ve và thì thầm vào tai H’Pnhiêng: “Mẹ đây, H’Pnhiêng đừng lo sợ, con cứ ngồi với mẹ”. Nước mắt bà H’Thía chảy tràn trên má, “người rừng” khẽ đưa bàn tay chùi cho mẹ.
H'Pnhiêng (bên trái) và những người thân trong gia đình mình. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
“Sợ nhất là lúc chập tối, khi gà nhảy lên chuồng là nó ngồi lặng lẽ, tay chống cằm nhìn đăm đăm về cánh rừng kia rồi ú ớ một mình. Mình biết nó buồn, mình chỉ nuôi nó 8 năm còn rừng nuôi nó tới 18 năm. Nó nhớ rừng cũng phải, mình đi xa cũng nhớ rừng huống chi là nó”, ông Ksor Lu, cha H’Pnhiêng, ngậm ngùi kể.
Ông tiếp: "Chiều tối, nghe tiếng hoẵng từ rừng xa vọng lại, nó bỏ cơm, cứ ngồi trước cửa nhìn về phía rừng sâu. Cả nhà lo lắm, dỗ dành mãi, nhưng nó như không nghe thấy gì, mắt rất buồn và dại lắm, mình lo sợ nó lẻn trở lại rừng”.
H’Pnhiêng không biết cười. Tội nghiệp nhất là người mẹ, bà H’Thía suốt ngày ra chợ Ozađao rồi rảo khắp các làng xin đủ thứ trái cây về cho con. “Thấy mẹ về nó vẫn dửng dưng, nhưng khi nhìn thấy chùm trái chín trong gùi, chẳng chờ mẹ cho, nó giật lấy rồi nhai cả vỏ. 10 ngày rồi, làm đủ cách, nhưng chẳng thấy nó cười bao giờ, mình lo quá, nó biết cười mới mau làm người được”, bà H’Thía ngồi vuốt tóc con nghẹn ngào kể.
Suốt chục ngày qua, không đêm nào vợ chồng Ksor Lu ngủ trọn giấc vì thay nhau trông giữ đứa con tội nghiệp. Cô gái vẫn chưa quen mặc quần áo khi ngủ. Chờ mọi người ngủ, cô lặng lẽ cởi bỏ quần áo rồi ôm cột ngủ ngồi thu lu trong xó nhà. Bà H’Thía đêm nào cũng ôm chặt con trong lòng và lặng lẽ cời bếp lửa giữa nhà cho con sưởi ấm.
“Nó không quen ngủ nằm, cứ gần sáng, nghe tiếng gà gáy là quáng quàng chồm dậy, ngơ ngác nhìn ra cửa rồi ú ớ, lảm nhảm gì đó. Mình dỗ dành, vuốt ve cho nó yên tâm vì nó vẫn chưa hiểu tiếng người. Có lúc nó muốn bỏ chạy nhưng thật kỳ lạ, thấy mình khóc nó đứng lại”, bà mẹ nói.
Bí ẩn chưa được giải mã
H'Pnhiêng thường ngồi thu lu trong góc nhà. Buổi tối cô vứt bỏ quần áo và cứ chực lao vào rừng. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Ông Ksor Lu cứ săm soi mãi vết sẹo trên cổ tay trái của H’Pnhiêng. “Mình nhận ngay ra con bé nhờ vết sẹo này. Năm nó 7 tuổi, một lần cầm rựa nghịch với đứa em, nó bị đứt cổ tay để lại một vết sẹo lớn. Lúc nó đang vùng vẫy như con thú hoang bị dồn đến đường cùng, cào xé kêu gào tìm cách thoát thân, tôi kêu lên: “H’Pnhiêng, H’Pnhiêng, cha đây con ơi!”. Ngay lập tức nó quên mất sự hoảng loạn và đăm đăm nhìn tôi như cầu cứu. “H’Pnhiêng” có lẽ đó là tiếng duy nhất của con người mà nó còn nhớ”, người bố kể.
H’Pnhiêng ngồi bên cạnh cha và mẹ H’Thía, nhưng vẫn tỏ thái độ xa lạ với mấy đứa em, đôi mắt hết nhìn lên mái nhà rồi lại nhìn ra cánh rừng già đang chìm dần trong hoàng hôn với khuôn mặt thất thần. Thỉnh thoảng cô chặc lưỡi rồi nhổ nước bọt phì phì. Nét biểu cảm duy nhất là đôi lúc cô lén nhìn đám người lạ với vẻ sợ sệt, lo lắng rồi lặng lẽ thở dài, chốc chốc lại gãi đầu sồn sột. Không nói, không cười và không nhìn thấy ở H'Pnhiêng giọt nước mắt nào.
Cha mẹ H'Pnhiêng tin rằng 18 năm qua con gái mình đã sống trong rừng. Không ai ngoài cô gái có thể xác nhận về hành trình 18 năm bí ẩn đó. Nhưng tiếc thay cô chưa thể vì chỉ biết ú ớ. Chừng nào H'Pnhiêng nói lại tiếng người, lúc đó “bí mật người rừng” mới được giải mã.
Luật lệ, định chế xã hội, mẹo luật ngôn ngữ...mọi thứ ngừng lại trước cửa rừng và sa mạc. Trong rừng, trong sa mạc, con người hoàn toàn tự do, hoàn toàn không bị trói buộc trước bất cứ điều gì. Trong rừng, trong sa mạc không hề có thiện ác, có chăng là trong lòng người.
Chuyện về một thanh niên Ả rập, khi ôm bà mẹ đang bệnh vượt sa mạc. Khi đó anh ta đã phải dùng vải quấn chặt hai tay để bớt đi sự đụng chạm giữa nam nữ. Đây là điều dễ hiểu, vì trong sa mạc không còn rào cản, định kiến, lề luật của xã hội.
Phải chăng vì vậy "người rừng" lại từ bỏ thế giới "văn minh" nhưng đầy hệ lụy này để lại vào rừng? Ngôn ngữ cô ấy nói, phải chăng là thứ ngôn ngữ cô ta tự tạo để nói với chính mình?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét