Thứ Sáu, 13 tháng 6, 2008

Cựu Thủ tướng Võ văn Kiệt

SÀI GÒN (NV)- Cựu thủ tướng Việt Nam, ông Võ Văn Kiệt, đã qua đời lúc 6 giờ 40 phút sáng thứ Tư (giờ địa phương), khi đang chữa bệnh tại bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore.

Tin tức này được các hãng thông tấn quốc tế loan đi sau khi ông Kiệt qua đời vài tiếng đồng hồ. Một số các báo điện tử của Việt Nam như VietnamNet, VNExpress, VTC… cũng đã loan tin nhưng ngay sau đó đã được lệnh của chính quyền Việt Nam buộc phải gỡ xuống mà không được giải thích vì sao.

Các tờ báo thuộc hàng lớn nhất của Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Thông Tấn Xã Việt Nam, Nhân Dân… đều chưa có tin ông Kiệt qua đời tính đến 10 giờ tối ngày 11 tháng 6 theo giờ Việt Nam, tức 8 giờ sáng 11 tháng 6 theo giờ California.

Hiện có nhiều nguồn tin về bệnh tình của ông Kiệt trước khi qua đời, trong đó trên Blog “Osin” của nhà báo Huy Đức dẫn lời một người đi cùng chăm sóc ông Kiệt tại Singapore cho biết, ông Kiệt bị tổn thương phổi khá nặng nên những cơ quan khác như tim, thận đều bị ảnh hưởng…

Cũng vẫn theo Blognày, thi hài ông Võ Văn Kiệt đã được đưa về Sài Gòn trên chiếc máy bay Learjet-45 của hãng Thai Flying đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất lúc 11 giờ 40 ngày 11 tháng 6 năm 2008.

Trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC người con gái ông Võ Văn Kiệt, bà Võ Hiếu Dân, cho biết về tang lễ ông Kiệt: “Các anh trong ban bí thư ngày mai họp và thông báo, chứ gia đình chưa biết gì”.

Như vậy việc loan báo về tin tức ông Kiệt qua đời và tang lễ của ông vẫn đang còn chờ đợi các quyết định từ các lãnh đạo cao nhất trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.

Ông Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa, bí danh Sáu Dân, sinh ngày 23 tháng 11 năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Ông Kiệt từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong chính quyền cộng sản Việt Nam kể từ năm 1940 đến khi chính thức rút lui khỏi chính trường vào tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII, trên cương vị Thủ tướng chính phủ. Sau đó ông được đảng cộng sản Việt Nam phong cho vai trò Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương cho đến năm 2001.

Ông Kiệt được đánh giá là một trong những lãnh đạo Việt Nam đi đầu trong việc khởi xướng thời kỳ “đổi mới” rũ bỏ nên kinh tế quan liêu bao cấp nghèo đói theo lý thuyết cộng sản để chuyển sang nên kinh tế thị trường theo tư bản kể từ năm 1986. Trong những năm gần đây ông đã có những bài viết hay trả lời phỏng vấn nhằm kêu gọi sự hòa hợp hòa giải dân tộc sau hơn 30 năm biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên BBC ông nhận định về ngày kết thúc cuộc chiến Việt Nam là ngày “Có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn”.

Và ông cũng có một câu nói nổi tiếng: 'Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả'.