Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2007

Entry for September 15, 2007

Nhạc sĩ TRÚC PHƯƠNG

Tôi có duyên may được gặp Nhật Bằng, Vũ Đức Nghiêm, Thiên Quang...Vì thích nhạc cổ điển và hòa âm, tôi đã học được rất nhiều điều từ Thầy Quang và anh Bằng và không tốn một xu nào hết. Trước đây tôi rất ghét nhạc có lời, trừ nhạc của Phạm Duy, Văn Phụng...Lý do là tôi nghĩ những dòng nhạc còn lại là NHẠC SẾN (!). Nhạc sến chịu ảnh hưởng của vọng cổ Nam bộ. Mặc dầu tôi rất mê vọng cổ và hát bội nhưng sao lúc ấy tôi lại không nghe được nhạc sến.

Sau này tôi mới thấm thía và thấy hết cái hay của loại nhạc mà cả tôi cũng cho là Nhạc Sến này, nhất là bài "Mười năm tái ngộ", "Quán nữa khuya". Nhạc của Trúc Phương cũng thường được coi là thuộc dòng nhạc sến. Nhưng muốn sến theo kiểu Trúc Phương hay Tuấn Khanh đâu có dễ. Chớ còn đặt nhạc theo kiểu "Nhìn trên cũng đẹp, nhìn dưới cũng đẹp, nhìn đâu cũng đẹp...(!) thì chắc mọi người chào thua.

Tình cờ lang thang trên mạng tìm được ảnh của Trúc Phương được chụp gần đây trước khi anh mất. Tấm ảnh đã nói lên hết những cảm nghĩ của tôi về người nhạc sĩ tài hoa này. Tôi chỉ post lên đây thôi, các bạn muốn nghĩ sau thì nghĩ.

Bài viết dưới đây của Ng. Đình Toàn đã nói lên những cái tinh tế trong lời nhạc của Trúc Phương,

Nguyễn Đình Toàn trước đây là hướng đạo thuộc đạo Cữu Long, châu Gia định.Cứ thấy anh mặc y phục HĐ hoài nhưng ít thấy sinh hoạt.

Xin giới thiệu với các bạn bài viết về nhạc sĩ Trúc Phương của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn :

(http://www.trungtamasia.com/Forum/topic.asp?TOPIC_ID=4028&#32161)


Câu Chuyện Chủ Nhật


Chúng ta có ba nhà soạn nhạc gốc miền Nam mà nghe nhạc chúng ta có thể nhận ra điều ấy đó là: Nguyễn Mỹ Ca, Lam Phương và Trúc Phương. Nhạc của Nguyễn Mỹ Ca có vẻ như xuất phát từ một cây dương cầm, nhạc của Lam Phương có nguồn gốc từ chiếc ghi-ta phím lõm, còn nhạc của Trúc Phương là sản phẩm của một cây ghi-ta thùng.

Trong sinh hoạt âm nhạc của chúng ta nói chung, còn có một hiện tượng đáng ghi nhận khác nữa: có những bài hát gắn liền với tiếng hát và cả dáng dấp một ca sĩ, đồng thời nhắc nhở tới một quãng đời, một nơi chốn nào đó, người ta đã trải qua. Vâng, ai từng sống ở Sài Gòn cuối thập niên 50, đã nghe nhạc Trúc Phương, hẳn không thể quên Nửa Đêm Ngoài Phố cùng tiếng hát và dáng dấp một thời gian ta gọi là liêu trai của Thanh Thúy.

Buồn vào hồn không tên,

Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời

Đường phố vắng đêm nao quen một người

Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời..

......



Nửa đêm lạnh qua tim

Giữa đường phố hoa đèn

Có người mãi đi tìm,

Một người không hẹn đến

Mà tiếng bước buồn thêm ..



Tiếc thay hoài công thôi

Phố đã vắng thưa rồi

Biết rằng chẳng duyên thừa

Để người không gặp nữa

Về nối giấc mơ xưa


Nếu âm hưởng của những câu vọng cổ vốn là cái duyên thầm trong nhạc Lam Phương thì chính lời ca của Trúc Phương làm nên cái quyến rũ trong nhạc của ông.


Riêng phần nhạc, phải nói cả Lam Phương lẫn Trúc Phương đều có cá tính mạnh mẽ. Người ta có thể nghe và nhận ra nhạc của họ một cách dễ dàng. Dù cả hai đều chịu nhiều ảnh hưởng cổ nhạc Nam phần.


Ảnh hưởng ấy trong nhạc Lam Phương hình như được chiếu sáng bằng ánh điện, ánh đèn sâu khấu. Còn trong nhạc Trúc Phương nó lại chỉ được soi rọi bằng ánh đèn dầu hay ánh trăng thôi, nên tự nó toát ra vẻ u uẩn.


Trúc Phương viết lời ca sắc xảo. Cứ đọc lại, nghe lại vài câu trong các đoạn được trích dẫn trên đủ rõ.

"
Buồn vào hồn không tên
" có nghĩa là sao? Nỗi buồn không tên hay hồn không tên?

Thức giấc nửa đêm
là một câu bình thường.

Nhưng "nhớ chuyện xưa vào đời" là một lối nói riêng của Trúc Phương. Về phương diện văn phạm hay cấu trúc câu có thể có vấn đề (có problem như lối nói thời thượng ở Mỹ hiện tại), song dường như người ta có thể cảm nhận được ý nghĩa của câu nói trước khi tìm cách hiểu được câu nói.



Cùng lối viết lời ca ấy, Trúc Phương đã tạo nên cái thế giới tình ca riêng của mình :

Đường vào tình yêu có trăm lần vui

Có vạn lần buồn

Đôi khi nhầm lỡ

đánh mất ân tình cũ



Bao năm qua rồi còn nối tiếc

Nghe lòng đầy giá buốt

Thương nhau rồi

Xa nhau rồi

Một lần dang dở ấy

Đêm lạnh vui với ai?



Mình vào đời nhau lúc môi còn non

Tuổi mộng vừa tròn

Hương thơm làn tóc

Nước mắt chưa lần khóc

Có đau chỉ thế

Nếu thương chỉ thế

Xin mang theo tiếng yêu

khi gọi anh với em!


Thập niên 70, chúng ta có nhiều những ca khúc viết cho lính rất hay của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh, Anh Việt Thu vvv ... Những bài hát vinh danh sự hy sinh cao cả và anh hùng của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Trúc Phương cũng có một bài viết về đời lính.

Bản thân ông cũng là một người lính.

Bài hát của ông gây xúc động mạnh trong lòng nhiều người nghe, chứ không riêng gì những người lính. Đó là bài " Kẻ ở Miền Xa" . Trong bài hát này Trúc Phương đề câ tới một điều, một sự thật, một khía cạnh buồn của đời lính (hình như) người ta muốn dấu đi, hay ít nhất, không muốn nói ra:

Tôi ở miền xa,

Trời quen đất lạ

Nhiều đông lắm hạ,

Nối tiếp đi qua

Thiếu bóng đàn bà,



Người không dám tới

Bèn viết cho tôi,

nhạc tình sao lắm lời

...

Xin xích lại một lần bên tôi

Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi

Đến với tôi, hãy đến với tôi

Đừng yêu lính bằng lời


Như thế gọi là nhạc hiện thực được chưa?


Trúc Phương, Y Vân, Lâm Tuyền .. đều đã mất ở Việt Nam.

Đã có một thời, sống ở trong nước, người ta sợ cả gặp nhau, vì không muốn nghìn thấy nhau trong cảnh quá đỗi tang thương. Đôi khi nhge tin ai đó chết, người ta có thể chảy nước mắt khóc nhưng cũng có phần mừng cho người ấy không phải sống nữa.


Trúc Phương, Lâm Tuyền sống ra sao những ngày cuối đời?

Chúng ta không biết.

Nhưng giả thử biết thì chúng ta có thể làm gì cho họ?

Và giờ phút này đây, muốn gửi một đóa hoa tạ ơn chúng ta sẽ gửi về đâu?

Đến nay thì đã

Đắng cay nhiều quá

Thơ ngây đi mất trong bước buồn

Giờ mới hay



Nguyễn Đình Toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét