Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Làng SÊU

LÀNG SÊU

Vừa qua tôi đã cùng gia đình về thăm làng SÊU. Hóa ra làng này khá nổi tiếng.

 

Từ cổng làng nhìn sang bên kia là núi non trùng điệp.

"Đình còn, nước ta còn" Không biết ai đã nói câu đó. Thành Hoàng của làng là Trần Quốc Bảo. Vì vậy, trong làng không ai đặt tên con là BẢO hết.

 

Dưới đây là một bài nói về làng SÊU (thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, Hà Tây)

 

Thứ hai, 15 Tháng 12 2008 02:57

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Đời nói thế, những người làm văn học nghệ thuật cũng nói thế. Đời và những người làm văn học nghệ thuật nói về tằm ư? Không phải họ nói về tằm. Họ mượn tằm, và đời cũng mượn tằm để nói về họ. Nhưng có thực con tằm đến thác vẫn còn vương tơ không? Ủa, mà sao con tằm đến thác vẫn còn vương tơ?

Tôi đã mấy lần về Duy Xuyên, đến ven sông Thu Bồn trải dài những nương dâu. Tôi cũng có về làng Trinh Tiết, tên nôm của làng rất hóm, làng Sêu, một làng nghề chăn tằm đất Hà Tây. Làng Sêu có chợ Sêu ở giữa làng, mỗi tháng họp sáu phiên, mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hăm mốt, hăm sáu. Làng nằm trên dải bậc thềm phù sa cổ, nhiều truyền thuyết lắm. Tôi hỏi một cô gái chăn tằm làng Sêu:

- Có thật con tằm đến thác vẫn còn vương tơ không?

Cô cười. Cô dẫn tôi đi xem nương dâu. Dâu ưa nhất là đất pha cát, mỗi năm tám lứa, mỗi lứa 30 ngày, thông thường là vậy. Tám lứa dâu nuôi tám lứa tằm, mỗi lứa tằm là 22 ngày, cũng thông thường là vậy. Nhưng tám lứa dâu và tám lứa tằm có liên quan gì tới con tằm đến thác vẫn còn vương tơ? Cô gái làng Sêu lại cười. Cô dẫn tôi theo lối xóm, đường làng đã đổ bê tông, vào xem một buồng tằm. Buồng tằm thoáng và sạch. Trứng tằm đen nhỏ li ti, nở lũ tằm con cũng nhỏ li ti, như đầu que tăm. Người chăn tằm hái dâu về, lá dâu phải thật ngon, thật ráo, nghĩa là phải chọn toàn những lá xanh, rồi thái thật nhỏ, rải lên thân tằm. Tằm con cũng như trẻ nít, nó ngoan, yếu đuối lắm, nhưng ham ăn. Cứ ba giờ phải cho ăn một bữa. Tằm lớn dần, qua sáu ngày đầu thì lên một tuổi. Sau đó, cứ bốn ngày lại lên một tuổi nữa. Một đời tằm thọ nhất là bốn tuổi. – Cô gái làng Sêu tủm tỉm. - Buồn cười, tằm ăn thật no ba ngày rồi nghỉ ăn, nằm ngủ một ngày. Nó có bốn mắt nhỏ xíu, đó là bốn chấm đen trên trán và trên thân tằm. Chẳng biết lúc ngủ tằm có nhắm mắt hay không, chỉ thấy nó nằm yên, không cựa quậy, như một chú bé ngủ say. Sau một ngày ngủ đẫy, nó lột xác, xác mỏng, rời khỏi thân tằm rơi nhẹ trên lá dâu. Tằm lớn lên, thân tằm từ màu trắng xanh chuyển qua màu hồng rất nhạt. Đến ba tuổi, tằm ăn rất khỏe. Người ta thường bảo: tằm ăn rỗi. Tiếng tằm ăn nghe rào rào. Tiếng tằm ăn như tiếng mưa rơi (1), dù nhỏ hơn tiếng mưa rơi rất nhiều. Buồng tằm bỗng rộn ràng, líu lo, như nhà có tin sinh nở. Đến tuổi hết lớn, thân tằm như một cánh đào phai, cô gái làng Sêu bảo rằng: Tằm chín! Lúc đó, bao nhiêu dâu tằm đã ăn vào bụng chuyển thành tơ. Tơ đầy một bụng tằm.  Màu hồng nhạt ấy là màu tơ ẩn dưới làn da mỏng và mềm của tằm. Một nong tằm là năm nong kén. Cô gái làng Sêu bảo: một nong tằm không được năm nong kén đâu! Muốn có một nong kén thì phải chăm năm nong tằm í.

Cả nhà chăn tằm xúm quanh nong tằm chín đặt trên nền nhà tráng xi măng. Cô gái làng Sêu lại nói:

- Không phải một lứa tằm hoàn toàn chín hết một lượt. Nhãn, vải, hồng ta, mãng cầu xiêm, chôm chôm cũng vậy, mà con người cũng vậy.

Mấy người chăn tằm dùng các ngón tay mềm mại lặt nhẹ các chú tằm chín ra một nong khác. Các chú tằm chưa chín, nghĩa là còn thiếu bữa, thân vẫn xanh, được để riêng vào một nong khác rồi phủ lá dâu, chỉ một ngày, sau khi đã ăn dâu cho đủ bữa, tằm lại chín muồi.

Sân phía trước nhà đã chuẩn bị sẵn nơi để tằm làm ổ. Trước kia thì bằng những lọn rơm thật sóng, nghĩa là thật khô. Bây giờ thì bằng các cành dâu già đã chặt, đã phơi phóng cẩn thận đặt sít vào nhau trên một loạt giá gỗ dài, có tên là né. Người chăn tằm rải tằm chín lên trên những tấm né ấy. Tằm ngọ nguậy như trẻ nít mới biết nằm sấp huơ chân huơ tay trên chiếu. Tằm nhộn nhàng hẳn lên, cảm thấy sung sướng, đã tìm được nơi cao ráo. Chẳng có gì là cao sang, miễn là ở giữa những cọng rơm đồng nội hay giữa những cành dâu khô sinh ra từ quê dâu, đủ cho tằm một không gian bé tí để tằm có thể gác thân nhẹ vào đó mà nhả tơ. Ban đầu, tơ tằm nhả ra giống như đường tơ của nhện, kéo ngang hơi rộng. Nhưng rồi, chẳng hiểu tằm đã làm thế nào, những sợi tơ của tằm cuộn tròn quấn quanh thân tằm. Ổ kén hình bầu dục tượng thành, lúc đầu người chăn còn thấy mờ mờ thân tằm vàng nhạt nằm trong đó như thấy qua sương. Một ngày một đêm sau, không còn thấy thân tằm nữa, chỉ còn thấy kén tơ vàng óng như những dây tơ hồng trên các hàng rào dâm bụt ở vườn Huế, nhưng mảnh hơn nhiều, xốp, nhẹ, muốn ngắm mãi, ngẩn ngơ, đắm đuối, si mê như một gã phải lòng, phải bùa phải ngải thế nào ấy.

Tôi hỏi:

- Vậy tằm chết lúc nào?

Cô gái chăn tằm làng Sêu, tay thon thả mặt hơi rám nắng như các cô gái vùng dâu, lại cười.

Nếu không có bàn tay con người nhúng vào, để yên ổ kén thì sáu ngày sau, tằm lúc đó đã là con nhộng, nhộng hoá thành con ngài, con ngài cắn đứt ổ kén một lỗ nhỏ, chui khỏi ổ kén, bay ra ngoài trời. Con ngài cái mập hơn ngài đực vì ngài cái phải mang trong bụng một bầu trứng cái. Con người, chỉ có con người thôi, mới đủ sức sắm nhiều vai làm lắm trò trên gian thế, cho ngài đực và ngài cái phối với nhau. Ngài cái đẻ trứng. Người bán trứng tằm ở tận Thái Bình, Nam Định. Trứng tằm nở ra tằm con. Một vòng đời mới của tằm lại bắt đầu.

Tôi ngắt lời:

- Vậy tằm có chết đâu.

Cô gái làng Sêu:

- Tằm nhả tơ, làm kén. Tằm vùi thân trong kén hóa thành nhộng. Nhộng hóa thành ngài. Ngài đẻ trứng. Trứng nở ra tằm. Đó là những con tằm được người nuôi lại để bảo tồn nòi giống tằm. Nó không chết, nó hóa kiếp, hóa mãi, kiếp này đến kiếp khác.

Tôi lại ngắt lời:

- Vậy sao lại nói: con tằm đến thác vẫn còn vương tơ?

Cô gái làng Sêu:

- Nếu một lứa tằm mà cho sống hết, hóa thành ngài cả, ghép đực cái phối với nhau, đẻ trứng, nở ra tằm con thì làm gì có tơ?

Để bay ra khỏi kén, ngài cắn ổ kén một lỗ rất nhỏ, nhỏ bằng ngón tay út của trẻ con. Nhưng ghê gớm lắm, tạo hóa đã sắp đặt cả rồi, cái lỗ con bé tí ấy cắt vụn hết mọi đường tơ mà tằm đã thầm lặng nhả vòng quanh quấn lấy thân tằm. Mọi đường tơ bị đứt tiệt. Không sao có thể kéo được những sợi tơ dài để ta giăng ngang dọc, để ta cuốn vào suốt mà dệt.

Người chăn tằm phải cho kén vào nồi, một chiếc nồi đồng to tướng không quai, bắc lên bếp than cháy hực, sôi sùng sục. Nước sôi làm giỡ những sợi tơ quấn vào ổ kén, tưởng chừng kén là một cục tơ rối lùng nhùng, nhưng thực ra cả ổ kén chỉ có một đường tơ từ một miệng tằm, môi nhỏ xíu, nhả ra.

Người chăn tằm lấy đũa vê từng ổ kén, khơi ra mạch tơ, kéo tơ đưa ra guồng, rồi quay xa. Các sợi tơ dài, vàng óng cuốn mãi vào xa quay. Cũng có loại tơ trắng, trong như cước, nhưng rất nhỏ, đẹp hơn cước nhiều, nó là của thiên nhiên.

Tôi hỏi:

- Vậy thì muốn có tơ, tằm phải chết?

Cô gái làng Sêu:

- Phải, một số lớn tằm phải chết. Nước sôi làm giỡ tơ thì nước sôi cũng luộc chín tằm. Số lớn tằm ấy không chết, thì không có tơ.

Tằm ăn dâu, tiêu hóa dâu, ai mà hiểu hết sự vận động của cơ thể tằm, rồi biến dâu thành tơ ngay trong bụng tằm. Đến tuổi chín, chỉ đến tuổi chín mà thôi, tằm nhả tơ cuộn thành kén, kén tơ đẹp và mịn lạ lùng. Tuy là tơ đấy nhưng chưa thể gọi là tơ. Tơ cuốn thành kén phải được luộc chín trong nước sôi, sôi lục bục như những vạc dầu ở địa ngục, nhờ mấy ngón tay khéo vê đũa và cánh tay quay xa mềm mại, tơ mới được kéo ra, cuộn vào xa quay, mịn và chắc như tình người. Đến với cái chết, tằm ngâm mình trong cái chết ấy, cho tới khi tơ được rút hết. Tơ chưa gỡ hết, cái chết của tằm còn đó. Tơ gỡ hết, tằm trần trụi. Tôi không đi qua tôi nên tôi không để lại gì (2). Tằm đã đi qua suốt một đời nghiệt ngã. Cho nên tằm để lại. Tơ. Chỉ khi ấy tơ kén mới thành tơ nguyên liệu.

Cô gái làng Sêu lại cười. Hình như nụ cười chưa lúc nào tắt trên đôi môi hàm tiếu của cô.

- Con tằm ăn dâu xanh mà lại nhả ra tơ vàng mới giỏi chứ. Tằm ăn dâu mà lại nhả ra toàn dâu thì chả ai bỏ công mà nuôi tằm, phải không bác? – Cô gái làng Sêu bụm miệng cười, mắt đen và ướt: Ăn dâu mà nhả ra dâu thì kinh quá, ai mà gọi là tằm. Có là sâu róm.

*

*    *

Người nghệ sĩ lấy đời tằm mà tự ví. Tằm đằm mình trong nong lá dâu, thèm dâu, ăn rào rào, là để nhả tơ. Người nghệ sĩ khát nhân dân, đi vào nhân dân, sống cùng nhân dân, để học để hiểu để nhận ra vẻ đẹp tiềm ẩn của nhân dân, lòng dũng cảm thầm lặng của những người bình thường, qua đó mà nhận ra chính mình trong bão táp, chỉ vì sáng tác, để mà sáng tác, hướng tới một sự sáng tạo tưởng chừng chỉ mình nhận ra.

Những người trước đây xa lạ, không quen không biết, không họ không hàng, không láng giềng chòm xóm, tại sao vậy, lại có thể sống vì nhau và chết vì nhau? Người anh hùng, nào có muốn đi vào cái chết, nhưng lại sẵn sàng lao vào cái chết, sắc lạnh và bình thản. Người quay phim khao khát quay trực diện gương mặt của người chiến sĩ đang xung phong.Tại sao vậy?

Tại sao có thể cầm bút viết những lời ca ngợi thúc giục người lính trẻ như măng lao về phía trước trong lúc mình lại là một kẻ xó ró núp ở phía sau? Mình thành thật hay giả dối?

Có trải nghiệm nào lại không phải là trải nghiệm của chính lương tâm? Tằm chỉ ăn dâu sạch mà chín - mỗi vui buồn, đau khổ cùng nhân dân chỉ thông qua tự vấn mới trở thành máu thịt. Liệu có thể nói được tiếng nói tâm hồn của người cầm súng vì sự tồn vong của đất nước, nếu lòng ta khô quánh và dửng dưng trước nhân dân hàng ngày hy sinh và lam lũ? Liệu có thể nhả ra tơ mà trong lòng ta không hề có tơ? Liệu có thể sinh thêm cho đời một nhân vật đẹp làm mặn cuộc đời mà đời ta lại nhạt nhẽo, chưa từng là một con người thực của đời? Nhân vật tích cực nào lại không phải là một quá trình hoàn thiện, trong lúc bản thân ta lại không đấu tranh để hoàn thiện chính mình? Đoàn người đi qua để lại bóng. Con tàu đi qua để lại tiếng(3). Ta đi qua đời, liệu có để lại gì trong tâm khảm nhân dân? Không có nhân dân và cuộc sống anh hùng và bi tráng của nhân dân, liệu có ta ngày hôm nay không? Bao nhiêu câu hỏi, tự vấn ngày ngày. Lấy nhân dân làm tấm gương soi, tự phơi bày trần trụi chính mình trước trang viết, lòng trung thực ấy chỉ riêng mình mới nhận rõ, nhưng đó chính là dấu hiệu trưởng thành của nghệ thuật. Con tằm rứt ruột nhả tơ, người nghệ sĩ cày lên trang viết, liệu có đau khổ với đời và trăn trở?

*

*    *

Những ngày chống Nguyên Mông, nếu ông cha ta thua trận, không để lại cho ta hai tiếng Bạch Đằng? Cũng như thế, nếu trong thời đại này, ở Liên khu Năm này, nếu không để lại một Ba Gia, một Vạn Tường, một Pleime, một Đà Nẵng, một chiến khu Lê lì lợm và Bác Ái hiên ngang, một Trà Bồng gan góc, một Ngô Mây lấy thân mình làm vũ khí, một Buôn Ma Thuột mở đầu? Nếu Hà Nội khiếp nhược trước B52 và không lực Huê Kỳ, không để lại một Điện Biên Phủ trên không, đất nước ta thành lương tâm của thời đại, và nếu không sáng tạo thời cơ làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối?

Bởi vậy, chẳng riêng gì người nghệ sĩ, ai nấy cũng đều khao khát góp vào thắng trận. Cuộc góp vào trong khốc liệt ấy, nếu do kẻ thù mà ta ngã xuống, cũng như bao người ưu tú trong nhân dân ngã xuống, thế hệ nghệ sĩ thời ấy đã tự trả lời: Nếu ta chết đi, một giờ, một nửa giờ trước khi giành thắng lợi hoàn toàn cũng hạnh phúc lắm thay.

Không phải thời ấy nhân dân và những con người sáng tạo không nghĩ đến cái tôi. Cái tôi không thu mình trong mất mát mà hướng tới những người khác. Không phải không có những giờ yếu đuối, không phải lúc nào cũng vượt qua được dục vọng tầm thường. Cũng có người gục ngã sau những phút mềm lòng, trước những quyến rũ vật chất. Nhưng số đông, soi mình trước tấm gương nhân dân, đã tự vấn trước lương tâm vốn không ngớt giằng xé giữa cái đẹp cao cả và cái xấu tầm thường, đã vượt qua, kẻ thì chật vật, người thì thanh thản.

Không có những ngày đó, không sáng tạo vì những ngày đó, người nghệ sĩ chỉ trơ còi như những chóp núi trọc bị bào mòn mồ côi rừng xanh che phủ. Đau khổ cào sâu trán mà cầm bằng như không, ý chí ấy của nhân dân và lòng tự vấn, xiết hòn đá mài tranh đấu vào lương tâm, như trăng, đẹp thế, làm cho đêm lung linh.

Nhưng khác với tằm, hàng triệu con tằm, chỉ nhả được một thứ tơ, còn mấy trăm nghệ sĩ cùng đắm mình trong một không gian và thời gian, cùng “ăn” một thực tiễn, nhưng lại có mấy trăm tác phẩm sáng tạo khác nhau. Bởi lẽ, họ là người, lại là người đa cảm. Họ được sống trong một môi trường riêng, với một nhân dân cụ thể, một địa phương cụ thể với tất cả cái riêng của nó. Họ khát khao tìm ra cái riêng của chính mình trong nhân dân bao la và riêng đến thế. Khi đã tìm ra sự cao thượng của chính mình thì quyết không đánh mất sự cao thượng ấy. Không ai mơ giống ai. Mỗi sáng tác lại là một giấc mơ không ai từng mơ và cũng không bao giờ có lại. Họ tiếp xúc với hàng trăm người, mỗi người lại là một thế giới riêng. Im lặng tưởng chừng giống nhau bởi không có tiếng động. Nhưng đối với từng người, im lặng có âm thanh riêng, âm thanh của trái tim. Âm thanh của trái tim là âm thanh thực nhất, xao động nhất từ chính lòng ta dội về. Cái đáng sợ nhất của sáng tạo là lặp lại mình chứ đừng nói đến lặp lại người. Họ để lại dấu ấn riêng, tâm hồn và kiểu sống riêng, phong cách sáng tạo riêng từ cái vốn đời tích lũy riêng mà có, cũng như Liên khu Năm để lại dấu ấn riêng trong đời sống văn học chung của cả nước. Họ như tằm mà không phải là tằm, không chỉ là tằm. Họ mất đi là mất đi cái riêng của họ, mất đi mãi mãi, không thể thay thế được. Có người chỉ để lại một bức tranh, một bài nhạc, một bài thơ, một truyện ký, so với cái toàn thể thì quả là nhỏ nhoi, nhưng lại là của riêng họ, không hề lẫn lộn, thiếu nó, đời cảm thấy thiếu một cái gì. Họ chỉ là một. Nhưng đời lại ví họ với Ngân Hà: Ngân Hà ơi/ mi là chi mà thiếu mi nhân loại thấy cô đơn.

*

*    *

Tôi hỏi:

- Tằm chỉ ăn lá dâu thôi ư?

Cô gái làng Sêu:

- Đúng, tằm không ăn lá tạp, tằm chỉ ăn dâu. Mà phải dâu sạch. Dính một tí bẩn vào, như thuốc trừ sâu là nó không chịu được. Nó là người của thôn dã, của thiên nhiên. Một thoáng nước hoa cũng dị ứng.

- Dị ứng thì nó thế nào?

- Thế nào ạ? Nó ngắc ngư như một gã say rượu, đầu ngúc ngắc rồi lặng lẽ chết. Tằm cũng lắm bệnh cơ đấy. Bệnh trong. Thân tằm trong suốt, có màu xanh dâu. Ăn mấy cũng không chín. Nghĩa là ăn dâu vào mà không hóa được ra tơ. Bệnh mấu, còn gọi là lùa khua, do người chọn giống không kỹ. Người chọn giống cũng như ông làm tổ chức cán bộ. Bệnh mấu, tằm vẫn ăn dâu nhưng ăn vào mà không nhả được tơ, đầu tằm to dần và bóng như bôi mỡ. Những con tằm đó có cho lên nén, nơi tằm làm ổ thì chỉ kéo thành màng sang, ngang phè như nhện, không vo tròn được kén. Tằm bị bệnh mấu vô dụng lắm.

Cô gái làng Sêu bụm miệng cười, mắt lúng liếng:

- Bác ví người nghệ sĩ sáng tác cũng như thân tằm nhả tơ. Vậy người nghệ sĩ có bệnh trong, bệnh mấu không?

Nói xong, hình như sợ tôi phật ý, cô thêm ngay: thân tằm tội nghiệp, bác nhỉ?

Tôi ngước nhìn cô. Tằm muốn sống thì không có tơ. Phải chết thì mới có tơ. Mải mê tìm kiếm cái đẹp, chân lý và thánh thiện, cũng tội nghiệp lắm, một đời nghệ sĩ.

Qua trái đất, chỉ có thơ chừng ấy, cô đơn và dằn vặt, sự nghiệp đồ sộ hay mỏng tang, cũng chỉ chừng ấy.

Một đời ăn dâu sạch, mượn lá dâu xanh rứt ruột nhả ra tơ vàng. Ngỡ rằng có kén là xong nghĩa với đời. Nhưng làm sao mà hết được nghĩa, hết được nợ. Tằm lại quên cả thân, từ bỏ những mong ước thường tình, chấp nhận sự hy sinh lớn nhất, chết, cho kén kéo được thành tơ gửi theo dòng đời. Một ngàn năm một vạn năm/ Con tằm vẫn kiếp con tằm vương tơ.

*

*    *

Tôi ngồi nhìn mủng kén, một màu vàng xao xuyến. Cô gái làng Sêu thả vào nồi nước đang sôi bùng từng nhúm kén. Mỗi ổ kén là một con tằm. Tằm chết, giống như mọi sinh vật nhỏ bé và mềm yếu. Cô gái vê đôi đũa, gỡ từ ổ kén một đường tơ mảnh. Một cô gái khác, ngồi lùi về phía bên kia, nhẹ nhàng quay xa. Trước lúc ấy, tơ có đó, cuộn thành kén mà tơ chưa cho người. Chỉ đến khi tằm chết, tơ được gỡ ra từng sợi dài, tơ mới đến với người. Tằm chết, từng lứa một, nhưng tơ thì còn, với nhân thế, với trần gian này, với dân tộc đẹp đẽ vì lương tâm và lòng cao thượng, vì lụa mượt mà và quyến rũ.

Trong đời biết bao nhiêu là cái đẹp. Khoảng khắc nào cũng có, nơi không gian gần và nơi không gian xa. Có lúc nào mà ta không nghe thấy người đời thốt lên: Ôi, đẹp quá! Bởi thế, cái đẹp là trường tồn. Nhưng hoa nở, hoa lại tàn. Mặt trời còn đó, vĩnh hằng. Song bình minh chỉ hiện ra trong một lát.

Cái đẹp trường tồn. Mà cái đẹp cũng mỏng mảnh. Sứ mệnh thiêng liêng của người nghệ sĩ là làm cho cái đẹp mỏng mảnh ấy, bằng tác phẩm mà trở nên trường tồn.

Người xưa tự răn: lấy văn chương lập thân là điều tối hạ. Nhưng sao có lắm người nhờ văn chương mà hiện, mà nổi. Ui, đó là việc của nhân gian vốn lắm trò. Còn người nghệ sĩ? Nghệ sĩ Ngô Thị Liễu tâm sự rằng: Tôi theo đuổi tuồng như một cô nàng theo đuổi một mối tình với tất cả cái sôi nổi, tất cả sức mạnh bão tố của trái tim đang rực cháy lửa yêu đương. Văn chương là tự

thân.

Văn chương tối kỵ sự giả dối. Dùng văn chương mà lập thân thì làm sao che kín được giả dối dù bịt bưng giả dối ấy đến cỡ nào. Văn chương, vẫn vậy, lâu dài và thẳm sâu, không đi cùng với hoạn lộ. Đã chọn đường văn chương thì chớ nuối tiếc hoạn lộ, dẫu thời nào cũng trăm bề cám dỗ. Dùng văn chương mở ra hoạn lộ, nhưng hoạn lộ nào đi cùng với văn chương.

Vai hài trong chèo thường tếu táo: Đã làm quan thì chớ làm hề. Đã làm hề thì chớ làm quan. Làm quan mà diễn trò thì người đời tưởng diễn trò là nghề quan. Vừa diễn trò vừa làm quan, thì người đời lại tưởng nghề quan là nghề trò. Xưa nay vẫn vậy, chức quyền đem lại tiền tài và danh vọng, nhưng chức quyền danh vọng lẫn tiền tài mảy may không sinh ra lương tâm và đạo đức.

Cũng như danh vọng, cả danh nghĩa nữa, không sinh ra văn chương đích thực.

Nhưng con người, lại chuyện con người, vừa khát khao chân thành và cao thượng vừa tiềm ẩn những dục vọng bỗng chốc vụt hiện từ sự bưng bít lâu ngày. Mâu thuẫn thế. Cho nên ở cái xã hội vật chất đầy mồi nhử và lưỡi câu móc, đại thể là vậy, con người dễ bị phỉnh dụ. Người đời, cũng là chuyện người đời thôi, thường đem cái cao sang mà cuốn dỗ.

Tằm ăn dâu, nhả ra tơ. Nhả tơ chẳng phải vì dâu, vì tằm. Sứ mệnh của tằm, nếu muốn dùng từ ấy, là để nhả tơ. Để nhả tơ đó thôi.

Tằm ăn dâu, hồn nhiên và đắm đuối, như cậu bé bị cha mẹ bỏ đói, quẳng đâu đấy, lâu ngày không được ăn. Tằm nhả tơ cũng hồn nhiên và đắm đuối. Tằm vùi thân trong kén, bịt bùng, không cho ai thấy chuyện nhả tơ, vật vã hay không, làm sao biết, nhưng chắc là đẹp, đẹp như tơ. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ.

Có thể ví: Đời là dâu. Những trang văn - đích thực -là tơ của đời. Đời nghệ sĩ đến ngày cuối ngang qua trái đất có còn vương tơ không? (4)

 Nguyễn Chí Trung

http://www.vannghequandoi.com.vn/-vn-xuoi/but-ky-phong-s/3845-vng-t.html

 Bài này rút từ cuốn Văn nghệ sĩ Liên khu Năm - Lý tưởng - nhân cách - sáng tạo - do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản nhân dịp Kỷ niệm 62 năm ngày Toàn quốc kháng chiến và 64 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét